Đồng Nai: Điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài

(ĐCSVN) - Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai, hiện địa phương này có 43 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào với 1.153 dự án, tổng vốn đầu tư trên 22,7 tỷ USD; trong đó, có 5 quốc gia và vùng lãnh thổ có số vốn đầu tư trên 1 tỷ USD là: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Quần đảo Virgin thuộc Anh và Đài Loan (Trung Quốc).
Cải cách để thu hút đầu tư

Cao tốc HCM- Long Thành- Dầu Giây
 

Là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, kết nối với ba vùng Đông Nam bộ, Nam Trung bộ và Tây Nguyên, cận kề với thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển kinh tế – xã hội. Với hệ thống giao thông thuận tiện, nhiều tuyến đường huyết mạch quốc gia đi qua như: Quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc 51; tuyến đường sắt Bắc – Nam; cùng với các tuyến đường liên tỉnh và các cảng: Long Bình Tân, Gò Dầu, Phú Mỹ, tỉnh Đồng Nai cho thấy lợi thế của địa phương này về giao thông vận tải để phát triển công nghiệp. Ngoài ra, Đồng Nai còn gần nhiều cảng biển lớn ở Bà Rịa - Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh, cảng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và tới đây là sân bay quốc tế Long Thành được xây dựng trên địa bàn tỉnh này, đã và sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế trong vùng cũng như giao thương với cả nước và quốc tế.
Đồng Nai cũng là một trong những địa phương ở Đông Nam bộ có nền đất lý tưởng, kết cấu có độ chịu nén tốt, thuận tiện cho đầu tư xây dựng các khu công nghiệp. Chính vì thế, việc phát triển khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai rất thuận lợi. Đến nay, địa phương này đã có trên 30 khu công nghiệp, nhiều khu đã lấp đầy diện tích. Với hệ thống nhà máy sản xuất điện được xây dựng bổ sung liên tục như: Nhà máy Thủy điện Trị An, Nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ, Nhà máy điện Nhơn Trạch…, đã đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế. Bên cạnh lưới điện quốc gia, Đồng Nai còn có Công ty liên doanh Amata Power cung cấp điện cho Khu công nghiệp Amata và các khu công nghiệp lân cận. Ngoài ra, Đồng Nai còn có nhiều nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú như: Vàng, thiếc, kẽm, nhiều mỏ đá, cao lanh, than bùn, đất sét, cát sông, rừng và nguồn nước,... Điều này rất thuận lợi cho phát triển các ngành nghề như: Sản xuất vật liệu xây dựng, gốm sứ, mỹ nghệ…
Những năm qua, tỉnh Đồng Nai là địa phương đi đầu trong cả nước về xây dựng và phát triển khu công nghiệp. Các khu công nghiệp của Đồng Nai phát triển mạnh cả về số lượng, khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài lẫn diện tích đất cho thuê. Ngay từ những năm đầu phát triển công nghiệp, Đồng Nai cũng là một trong số ít địa phương thu hút được nhiều dự án có qui mô vốn trên 100 triệu USD như: Formosa (Đài Loan), Vedan (Singapore và Đài Loan), Hualon (Malaysia và Đài Loan), Fujitsu (Nhật Bản).… Vốn đầu tư nước ngoài đã thật sự trở thành nguồn lực quan trọng để đầu tư phát triển sản xuất, tạo nguồn thu ngân sách lớn, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nhất là đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa ở Đồng Nai.
Để tạo dựng niềm tin cho các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư nước ngoài, trong những năm gần đây, Đồng Nai luôn chú trọng và tích cực thực hiện cải thiện môi trường đầu tư và cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện, công khai, minh bạch, đơn giản, nhanh chóng, kip thời với phương châm: “Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, “Chính quyền phục vụ doanh nghiệp”. Cụ thể, Đồng Nai tăng cường cải cách thủ tục hành chính, từ cấp phép đầu tư đến thủ tục hải quan, thuế. Nhờ đó, thời gian cấp phép cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp của tỉnh hiện chỉ còn từ 9 đến 25 ngày, rút ngắn so với trước đây từ 5 đến 7 ngày, thậm chí có dự án chỉ cấp phép trong 7 ngày và sớm hơn thời gian quy định của Trung ương từ 6 ngày đến 9 ngày. Điều đáng nói là có đến 90% số hồ sơ cấp phép đầu tư được trả đúng hẹn.
Bên cạnh việc tập trung cải cách thủ tục hành chính, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các khu công nghiệp và hệ thống đường giao thông kết nối bên ngoài để thuận lợi cho doanh nghiệp. 

Ông Mai Văn Nhơn - Phó trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai cho biết, sức hút lớn nhất đối với các nhà đầu tư là phải chứng minh được nguồn vốn của các nhà đầu tư sẽ phát huy hiệu quả. Để làm được việc này, Đồng Nai đã có nhiều giải pháp đồng bộ từ xây dựng cơ sở hạ tầng, các dịch vụ. Điều nổi bật nhất của Đồng Nai là lãnh đạo và ngành chức năng của tỉnh này luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh. C
hính vì vậy, Đồng Nai đã khẳng định được niềm tin đối với doanh nghiệp. Từ nhiều năm qua, Đồng Nai không chỉ thu hút ngày càng nhiều vốn đầu tư đầu tư nước ngoài mới vào địa bàn mà nhiều doanh nghiệp đang hoạt động tại Đồng Nai cũng tiếp tục mở rộng sản xuất, tăng thêm nguồn vốn.
Cùng với đó, nhiều chương trình xúc tiến thương mại, đầu tư trong và ngoài nước đã được lãnh đạo tỉnh Đồng Nai tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao, tạo tiền đề thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, các loại hình dịch vụ bưu chính, viễn thông, vận tải, du lịch, tài chính – tín dụng cũng được đầu tư kịp thời. Cùng với phát triển kinh tế, các vấn đề bức xúc của xã hội cũng được tỉnh Đồng Nai giải quyết có hiệu quả. Trong đó, giải quyết việc làm cho người lao động luôn được các cấp, các ngành ở địa phương đặc biệt quan tâm. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, an ninh xã hội được giữ vững và niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới ngày càng được nâng cao.
Niềm tin từ các nhà đầu tư nước ngoài

Với những tiềm năng, lợi thế luôn được tận dụng, phát huy, sự phát triển năng động trong thời kỳ đổi mới cùng với khát vọng vươn lên đó chính là những yếu tố quyết định để giúp Đồng Nai đang gặt hái được nhiều thành công trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, phát triển kinh tế địa phương, làm giàu cho đất nước. 

Ngay từ cuối năm 2014, nhiều tập đoàn lớn của nước ngoài đã chính thức chọn Đồng Nai là điểm đến để đầu tư các dự án lên đến hàng trăm triệu USD. Các nhà đầu tư nước ngoài đều có chung nhận xét, Đồng Nai đang là khu vực có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Đó là: Tập đoàn CJ, Hyosung (Hàn Quốc), Amata (Thái Lan), Forval (Nhật Bản), bên cạnh đó, không ít tập đoàn từ Hoa Kỳ, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Dubai... cũng đã đến Đồng Nai tìm hiểu chính sách, ngành nghề với dự kiến sẽ đầu tư vào tỉnh này. 

Ông Kiatthanakorn Surakij - Tổng giám đốc Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành, cho biết, dự án này nhằm thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao từ Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, các nước châu Âu vào đầu tư. Lĩnh vực công nghệ cao phát triển cả nhà đầu tư và địa phương đều có lợi, vì đòi hỏi ít lao động mà giá trị gia tăng lại cao.
Chỉ trong 7 tháng của năm 2015, Đồng Nai đã thu hút đầu tư đạt trên 1,7 tỷ USD. Trong đó, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là hơn 1,1 tỷ USD. Dự án lớn nhất là của Tập đoàn Hyosung với tổng vốn 660 triệu USD để xây dựng nhà máy sợi, dệt tại huyện Nhơn Trạch. Tập đoàn Hyosung sau khi thành công với nhà máy sản xuất sợi, dệt tại Đồng Nai đã quyết định đầu tư thêm nhà máy với vốn số vốn đăng ký 660 triệu USD để hưởng các lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) và đón đầu Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sắp ký kết. Tiếp đến là dự án Khu công nghiệp công nghệ cao Long Thành 282 triệu USD của Tập đoàn Amata. Tập đoàn Kenda (Đài Loan) cũng đang tiến hành các thủ tục thuê đất để đầu tư thêm một nhà máy sản xuất tại huyện Trảng Bom. Dự kiến vốn đầu tư khoảng 200 triệu USD, nhà máy chuyên sản xuất vỏ xe ô tô, xe máy, xe đạp xuất khẩu. Hiện Tập đoàn Kenda có Công ty Trách nhiệm hữu hạn cao su Kenda Việt Nam tại Khu công nghiệp Hố Nai (huyện Trảng Bom) chuyên sản xuất vỏ ô tô, xe máy, xe đạp, hoạt động khá hiệu quả.
Tại khu công nghiệp Long Đức, huyện Long Thành, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pegasus – Shimamoto auto parts Việt Nam sản xuất con cuộn ô tô. Mỗi tháng, Công ty xuất khẩu khoảng 1,75 triệu linh kiện này sang Thái Lan, Indonesia và Nhật Bản. Để đầu tư tại đây, Công ty này chỉ mất hơn 10 ngày để làm giấy phép đầu tư. Sau đó, Công ty cũng được Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai và các ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi để dự án nhanh chóng hoàn thành, đi vào hoạt động.
Ông Masamichi Mina - Tổng giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Pegasus – Shimamoto auto parts Việt Nam cho biết, Công ty đã được Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Đồng Nai tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp phép đầu tư. Hơn nữa, doanh nghiệp chọn đầu tư ở Đồng Nai vì môi trường đầu tư ở đây khá thuận lợi, hiện có cảng, sắp tới sẽ có sân bay, cơ sở hạ tầng, xử lý nước thải, môi trường ở các khu công nghiệp cũng khá tốt.
Ông Park Hyun Bae - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư Hàn Quốc tại Đồng Nai nhận xét, hiện Đồng Nai đang là địa phương thực hiện tốt việc phát triển hạ tầng, có những chính sách tốt nên là điểm thu hút đầu tư khá hấp dẫn ở Việt Nam. Hiện nay, Hàn Quốc là nước đứng thứ hai trong đầu tư vào Đồng Nai với 290 dự án, tổng vốn đầu tư hơn 4,6 tỷ USD. Sau khi Hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam - Hàn Quốc được ký kết, mở ra nhiều cơ hội cho hai nước, dự kiến đầu tư của nước này vào Việt Nam, trong đó có Đồng Nai tăng mạnh trong thời gian tới. Cũng theo ông Park Hyun Bae, các doanh nghiệp Hàn Quốc khi có ý định đến Việt Nam đầu tư đều rất chú ý đến Đồng Nai. Bên cạnh giao thông tốt, thuận lợi, hạ tầng tại các khu công nghiệp ở Đồng Nai cũng rất thuận lợi để phát triển sản xuất kinh doanh. 
Để tiếp tục thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong thời gian tới, Đồng Nai sẽ tập trung thực hiện chuyển dịch kinh tế theo chiều sâu, hình thành và phát triển các khu công nghệ cao, phát triển kinh tế tri thức, đầu tư một số sản phẩm mũi nhọn của địa phương, tăng hàm lượng chất xám trong các sản phẩm công nghiệp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh; mở rộng các loại hình dịch vụ phục vụ cho sản xuất và đời sống, nhất là ở các khu công nghiệp và đô thị. Riêng khu vực kinh tế nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh các chương trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn, đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Ngành công nghiệp của Đồng Nai tiếp tục giữ vai trò, vị trí then chốt trong phát triển kinh tế, trong đó, công nghiệp chế biến góp phần gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy ngành thương mại – dịch vụ phát triển, tạo đà cho quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nhanh và đúng hướng; phát huy mạnh mẽ tiềm năng của các thành phần kinh tế để phát triển ổn định, vững chắc, trong đó, khuyến khích đầu tư nước ngoài và các ngành công nghiệp có trình độ công nghệ cao./.

Theo: http://dangcongsan.vn/





0 nhận xét:

DAT XANH GROUP- TẠO LẬP CUỘC SỐNG ƯU VIỆT